Trang Chủ » Tin Tức » Cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Thủ Thiêm 4

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trường hợp có 2 đơn vị đăng ký nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trở lên sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định. Thời gian thực hiện tối đa 6 tháng. Báo cáo đạt kết quả tốt nhất sẽ được lựa chọn làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Trường hợp trước đó, dự án này đã có liên danh Công ty Phát Đạt – Công ty 620 – Công ty 168 và Công ty IPC quan tâm đăng ký xây dựng dự án, nhưng tới nay vẫn chưa có tín hiệu thực hiện, thì giao cho liên danh này lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và di dời cảng Tân Thuận.

Phối cảnh dự án The Global City

Văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4

Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM đề nghị xem xét, chấp thuận cho thành phố được đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và cho phép thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt – Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng 620 – Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng 168 được chọn làm nhà đầu tư thực hiện dự án theo thẩm quyền được quy định ở Luật Đấu thầu.

Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng dây văng với chiều dài 2,1 km, tĩnh không 80 x 10 m. Phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2 và 2 nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát (gần cổng khu chế xuất Tân Thuận). Tới tháng 4/2017, UBND TP.HCM lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và tại các vị trí khác. Lãnh đạo TP. HCM cũng kiến nghị được phép quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.250 tỷ đồng.

Tới tháng 10/2017, UBND TP.HCM có báo cáo về việc xây dựng dự án cầu Thủ Thiêm 4, trong đó UBND TP.HCM cho rằng, việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 là rất cần thiết và cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7.

Đồng thời, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của Thành phố và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam Thành phố; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của TP.HCM. Do tính cần thiết, cấp bách triển khai dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận một số nội dung.

Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức PPP (theo hợp đồng BT) và cho phép UBND TP.HCM được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư là liên danh gồm một nhóm các công ty xây dựng – bất động sản – phát triển hạ tầng thực hiện dự án, theo thẩm quyền được quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Tổng chiều dài của cầu khoảng 2.160 m, trong đó cầu chính từ bờ quận 7 qua đến hết cầu phía quận 2 gồm 6 làn xe; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7, từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát gồm 2 làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2 gồm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 5.253,94 tỷ đồng.

Đổi 11 lô “đất vàng” tại khu chức năng 3 và 4

Theo UBND TP.HCM, về quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ gồm 16 lô nhà đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm Thành phố. Cụ thể, quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 bao gồm 11 lô đất (có ký hiệu 3-5; 3-8; 3-9; 3-12; 4-3; 4-4; 4-5; 4-11; 4-12; 4-16 và 4-20) thuộc Khu chức năng số 3 và số 4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng diện tích đất phát triển dự án khoảng 99.904 m2.

Giá trị quyền sử dụng đất của 11 lô đất nêu trên ước tính có thể đủ để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.253,94 tỷ đồng, trừ đi chi phí giải phóng mặt bằng (962,5 tỷ đồng), chi phí khác (155,756 tỷ đồng) và chi phí dự phòng (934,534 tỷ đồng), thì phần chi phí xây lắp và thiết bị của dự án khoảng 3.201,15 tỷ đồng).

Về quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng (phía quận 7) và chi phí khác là khu đất tại số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, quận 1, diện tích 1.186,3 m2; khu đất tại số 1310 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 5.300 m2; khu đất tại số 11 Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, diện tích 11.764 m2; khu đất tại số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3, diện tích 7.000 m2. Dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn nằm trong quy hoạch phát triển giao thông – vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn trong giai đoạn chọn nhà thầu.

(Theo: baodautu.vn)

Bài viết liên quan